Tương truyền ở đình Bình Trật, thôn Bình Trật, xã An Bình, huyện Kiến Xương có giếng nước cổ linh thiêng, nước trong mát và không bao giờ cạn kể cả trời khô hạn và không úng ngập dẫu trời mưa trút nước, quanh làng lụt lội. Phàm người có nỗi niềm trầm luân đến đây lấy nước giếng rửa mặt đều giải được sầu oan. Ngày cuối năm trước tết Nguyên đán, người dân đến đình lễ thành hoàng rồi xin nước của ngài về tắm sẽ tẩy được bụi hồng trần…
Ẩn mình giữa đồng lúa yên ả của làng quê Bình Trật, đình Bình Trật (còn có tên là đình Cả) được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1984, đình có kiến trúc “tiền nhất, hậu đinh” gồm năm gian tòa đại bái và ba gian hậu cung. Kiến trúc chạm lõng, bong kênh gỗ với nét chạm trổ ở đầu dư và vì kèo tinh xảo, mềm mại, uyển chuyển, ngoài ra tường đình còn có những mảnh ghép gốm nghệ thuật mang phong cách kiến trúc cung đình…
Theo tài liệu điền dã, thuở hồng hoang đất làng Bình Trật thuộc trấn Nam Giao, sau này thuộc huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Làng có nhiều sông, lạch bao quanh tạo nên thế đất “lưỡng long chầu nguyệt”. Các bậc cao niên trong làng cũng không ai nhớ rõ đình Bình Trật xây dựng từ thế kỷ nào chỉ biết sau nhiều niên đại, nhiều lần trùng tu, tôn tạo, được các triều đại phong kiến sắc phong… đình có hiện trạng “tiền nhất, hậu đinh” trầm mặc. Các bậc tiền bối trong làng truyền ngôn lại đình thờ Trinh Thục công chúa và phối thờ “Tam vị Đại vương” là Tây Hải Đại vương Cao Sơn, Nam Hải Đại vương An Dương Vương và Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng. Tương truyền, giếng trong đình Bình Trật được coi là “độc nhãn thần long” rất linh thiêng. Truyền ngôn giếng thần giữa sân đình là nơi Mỵ Châu, con gái An Dương Vương trẫm mình bên bờ biển. Thời Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa chống giặc Đông Hán (40 - 43), nữ tướng Vũ Thị Thục nương, con gái hào trưởng trang Phượng Lâu Vũ Công Chất đã từng thả thuyền trôi xuôi về đây nương nhờ “độc nhãn thần long”.
Dưới mái đình cổ kính, câu chuyện về nữ tướng Vũ Thị Thục nương gắn với huyền tích làng Bình Trật vẫn được các bậc cao niên truyền kể cho thế hệ sau. Chuyện kể rằng hào trưởng họ Vũ lấy vợ là Hoàng Thị Mầu người cùng trang hợp ý đẹp lòng. Vũ công biết nghề thuốc, thường đi xa nhà tìm kiếm lá thuốc quý, dạo gót khắp châu trang hái thuốc và chữa bệnh cứu người. Một lần đi hái thuốc, Vũ công gặp một ngôi miếu cổ tường đổ mái xiêu, hương lạnh khói tàn, rêu phong dột nát, hỏi ra mới biết miếu thờ Sơn Tinh công chúa Ngọc Hoa là vợ Sơn thánh Tản Viên. Dân gian truyền tụng miếu cổ linh thiêng, nhưng trải qua nhiều phen biến loạn, dân cư phiêu bạt nên miếu vũ cũng hoang tàn. Vũ công than thở hồi lâu rồi ngỏ ý muốn được cùng dân làng trùng tu lại tòa miếu, tạc tượng Sơn Tinh công chúa phụng thờ. Hiềm nỗi, ông bà Vũ công đã lớn tuổi mà chưa sinh hạ được người con nào, tôn tạo xong miếu, một đêm bà Hoàng thị nằm chiêm bao thấy cụ già râu tóc bạc phơ nói với bà rằng “công chúa Ngọc Hoa là con gái đức Hùng Duệ Vương và là vợ của Tản Viên Sơn thánh thần núi Ba Vì tài cao phép lạ, có công lớn giúp nước yên dân. Nay Vũ công trùng tu tôn miếu của công chúa cũng giống như để bày tỏ tấm lòng kính nhớ tổ tiên vậy”. Sau đó bà Hoàng thị mang thai, đủ chín tháng mười ngày sinh được một con gái trắng trẻo, xinh xắn. Hai vợ chồng Vũ công mừng vui khôn xiết, đặt tên con là Thục nương. Dân các trang quanh vùng chúc mừng ông bà Vũ công. Thục nương càng lớn càng xinh đẹp, da trắng như trứng gà bóc, má hồng môi thắm, mắt sáng mi cong. Tới năm mười sáu tuổi, Thục nương đẹp như đóa hoa xuân, được Vũ công cho học thi thư, cung kiếm. Tuổi 16, Thục nương đẹp như trăng rằm, nhiều hào trưởng trong vùng ướm hỏi sính lễ. Phạm Danh Hương, con trai hào trưởng cai quản 13 trang trại ở Nam Chân năm ấy tuổi ngoài hai mươi, gương mặt tuấn tú, văn võ tinh thông, nghe tiếng Thục nương là khách anh tài, hiền hòa đức độ nên đến đặt trầu cau dạm hỏi. Vốn là chỗ quen thân với hào trưởng Nam Chân, Vũ công bằng lòng gả cưới. Thục nương chỉ còn chờ mùa thu hương cốm têm trầu cánh phượng qua đò sang sông. Bỗng một hôm Thái thú Tô Định cùng bọn quan quân giả làm khách buôn ghé thuyền vào bến Phượng Lâu, xin yết kiến Vũ công. Vũ công đón tiếp tử tế gọi Thục nương mời trầu. Tô Định mới nhìn thấy dung nhan Thục nương đã mê mẩn say đắm bèn nói với bọn quan hầu rằng: “Người con gái này nếu không phải là Hằng Nga nơi cung Quảng thì cũng là tiên nữ chốn Bồng Lai, ta quyết phải đón nàng về Phủ hưởng thú vui”. Về tới Phủ Thái thú, Tô Định ra lệnh triệu Vũ công. Vũ công không rõ có việc gì mà Phủ Thái thú lại gọi đến mình, nhưng cũng phải thu xếp theo viên sứ lên đường. Tới nơi Tô Định mở tiệc đón mừng, tôn Vũ công ngồi ghế trên. Vũ công nhận ra Tô Định chính là khách buôn người Hán vừa ghé nhà mình, lòng càng lo ngại, từ chối không dám ngồi trên. Tô Định lại cho Vũ công ngồi ngang mình rồi trong tiệc rượu ngỏ ý đón Thục nương về phủ lập làm phu nhân. Vũ công giật mình khéo chối từ: “Thục nữ nhà tôi xấu xí đã nhận lời kết hôn với con trai vị hào mục ở Nam Chân rồi”. Tô Định đưa lời ép buộc, Vũ công một mực chối từ. Tô Định nổi trận lôi đình, truyền đánh chết Vũ công, lại cho lệnh triệu ngay cha con hào mục Nam Chân về hầu. Khi Phạm Danh Hương và cha vừa tới nơi, Tô Định thét quân dưới trướng lấy gậy đánh chết cả hai cha con, lại phát lệnh cử một đạo quân về Phượng Lâu trang bắt lấy Thục nương đưa về thành phủ. Thục nương một mình theo đường tắt ra sông, nhổ thuyền thả xuôi dòng nước. Lúc ấy mặt trời đã lặn. Thuyền trôi vùn vụt trong đêm, tới khoảng canh tư thì dạt vào bến sông. Nghe tin Trưng Trắc, Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa chống Tô Định, Thục nương tìm về Hát Môn phò giúp hai bà giết chết Tô Định và trở thành nữ tướng của hai bà… Dẹp xong Tô Định, Trưng Trắc lên ngôi vua, phong Thục nương làm Bát Nạn đại tướng quân, Trinh Thục công chúa.
Tương truyền, vua Lê khi đem quân chinh phạt Chiêm thành có ghé qua huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam, dừng quân cạnh dòng Bạch Lãng (Trà Lý) nhìn thấy đình Bình Trật cổ kính liền bước vào dâng hoa đăng tế lễ. Vua bất chợt ngước trông bức đại tự treo trong đình có bốn chữ khảm trai “Trụ định âm dương” (nghĩa là nơi đây âm dương đã định vị) thấy làm lạ liền cho mời các bô lão ra đình hỏi chuyện. Các cụ đem sự tích Thục nương tâu bày với nhà vua. Vua Lê cho làm lễ tế thần trước khi ra trận. Trận ấy vua Lê đánh Chiêm Thành đại thắng, chém được đầu vua Chiêm, bắt được nhiều tù binh. Khi trở về Thăng Long bèn bao phong Trinh Thục công chúa làm “vạn cổ phúc thần” ban cho dân làng Bình Trật nhiều vàng bạc, châu báu tôn tạo đình làng phụng thờ Trinh Thục công chúa làm Phúc thần.