Số người online

Số lượt truy cập


web trends

Danh mục Blog (Click vào từng danh mục để xem)

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

VỚT BÈO HOA DÂU THÁNG CHẠP

VỚT BÈO HOA DÂU THÁNG CHẠP
Nguyễn Ngọc Huân

Tháng Chạp, gió mùa Đông Bắc tràn về cắt da, cắt thịt. Cây Gạo đầu làng trơ trụi lá, khẳng khiu cành, run trong giá rét. Bầu trời nặng nề, xám xịt, mưa thâm, trời âm u. Con người, con vật, cây cối hết thảy đều co ro, xun xoe…Mặc giá rét, Tổ phụ nữ “Ba đảm đang” xã vẫn tiến ra đồng làm bèo Hoa dâu vụ Đông - Xuân....

Cái Sao dẫn đầu tiến về phía “cánh đồng 5 tấn”. Cánh đồng này Đoàn Thanh niên đăng ký làm thí điểm nhiều năm nay, thuộc “bờ xôi, ruộng mật” khoảng 3 mẫu, chia thành các mảnh nhỏ nửa sào được ngăn bởi các bờ be tạm. Cả một vùng trắng xóa. Phía xa mấy đôi Cò trắng đứng thụt đầu vào cánh cho đỡ rét. Ban ngày, chúng bì bõm lội đồng mò cua, bắt tép. Chập choạng tối, bầu đoàn thê tử bay về tổ trên cành cao cây Gạo đầu làng.
Đội trưởng Sao quần xắn qua bắp vế, xăng xái lội trước xuống ruộng. Nước ngập đến đâu buốt đến đó.
- Bây giờ, vớt ở ruộng giống san ra 4 ruộng, các đồng chí nhé ! Sao phân công.
Mỗi người 2 tay 2 rế, vạt nhanh những đám bèo Hoa dâu rồi đổ vào sọt. Cứ đầy 2 sọt thì một người gánh sang đổ bên ruộng khác. Việc gánh bèo thì do thằng Tiến đảm nhiệm. Tiến 18 tuổi, 37 ký lô, sức khỏe B2 nên không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội, ở lại hậu phương tham gia làm ruộng. Là đàn ông duy nhất, nên nó được đám chị em “cưng chiều”, dành cho những công việc đặc biệt: gánh lúa, xén lúa, gánh bèo.
Gió thổi dạt bèo vào một góc, nên việc vớt không mấy khó khăn. Đám chị em chỉ đứng yên một chỗ cũng vớt thoải mái. Tuy không phải đi, nhưng các chị vẫn phải cử động đôi chân để nó không bị đông máu. Được một lúc thì chân ai cũng ngấn tái tím. Và hai bàn tay lúc đầu còn thoăn thoắt, sau cứng đờ, việc vạt bèo bây giờ hoàn toàn do cánh tay điều khiển. Những chỗ tái tím không còn cảm giác nữa, đến nỗi, trưa về không cầm nổi bát cơm, đôi đũa, không làm sao và cơm vào miệng được. Mặc ! "hậu phương 3 đảm đang" nên đám chị em vẫn cần mẫn vạt bèo.
Bước chân đi đến đâu, bèo dạt đến đấy, rồi tụ lại. Những vòng tròn xanh bèo, trắng nước, theo bước chân chị em, tự nhiên được vẽ trên mặt ruộng, lan tỏa, tạo nên bức tranh đẹp.
Tầm 9 giờ mới thấy mặt trời nhô khỏi đám mây tỏa những chùm nắng xuống cánh đồng. Mưa đã ngớt, nhưng vẫn giá lạnh.
- Tiến ơi, cố gắng gánh, tý có người sưởi ấm cho nha ! Mấy chị lớn tuổi trêu.
Tiến nhìm xéo qua Sao, tự nhiên nó thấy nóng bừng trong người. Nó tra đòn gánh vào 2 quang, bước phăng phăng sang ruộng khác.
Bỗng từ phía bờ đông một tiếng hò vang lên:
Ơ, hò… Ai cười dưới ruộng đong đưa,
Để anh vờ vĩnh sớm trưa gánh bèo…
Hò ơi, hò…
Nó nghĩ, giữa đám đông tuyền là chị em thế này, dù tài chi mấy thì cũng đành chịu thua, nên lấy nón che mặt, coi như không nghe thấy gì.
Nhưng khi gánh qua ruộng bên, cái Sao liếc nó mà nói móc:
- Thanh niên 3 sẵn sàng mà chịu thua à ?
Vậy chứ sao chịu thua ! Hít một hơi lấy đà, nó hò đối lại như sau:
Ơ, hò…Em cười phía ấy đong đưa
Để anh vờ vĩnh sớm trưa gánh bèo.
Mai về bàn chuyện cưới treo
Sang năm mình sẽ gánh bèo cùng nhau…
Cái Sao bỏ rế, nhéo vào cánh tay Tiến “Ghê nhỉ !”, trong lúc cả bọn phụ nữ cùng đồng thanh “Hò ơ, hò …Hò ơ, hò…”
Thấm thoát nhiều năm trôi qua, hình ảnh vớt bèo Hoa dâu cùng tiếng hò những năm kháng chiến vẫn mồn một trong ký ức tôi…

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

60 NĂM ĐẤT VÀ NGƯỜI AN BÌNH

.
 Mời Hội viên và bà con xem Video "60 NĂM ĐẤT VÀ NGƯỜI AN BÌNH" như dưới đây.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

CHỬI MẤT GÀ

Chập tối, cả làng vừa tầm xong bữa. Vào dịp nông nhàn, việc đồng áng chả còn gì nhiều, cứ chạng vạng là người ta sắp mâm đặt đầu hè, tận dụng vài tia sáng chiều còn sót lại đủ nhìn thấy nồi cơm, đĩa cà, bát canh, chén nước mắm, để mà vừa tối hẳn cũng là lúc xong bữa. Thế nên chẳng tốn đồng dầu hỏa cho thắp đèn bữa chiều. Thời buổi nghèo khó, tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy…





Bên bà Toản hàng xóm, chủ nhà đang ngồi xỉa răng, uống nước, bỗng nghe tiếng bà Bi the thé cất lên phá tan cảnh yên bình thôn dã..


- Bớ làng trên xóm dưới, bên xuôi bên ngược, bên trước bên sau ! Tôi có con gà mái ghẹ, ai kẻ nỡ bắt, thì cho tôi xin, nếu không thả nó ra, thì tôi chửi lên cho mà nghe đấ..ấy… !

Nhà bà Bi mất gà à ? Chả biết là có người ăn cắp, hay là đương lúc đói kém nó chạy đi đâu xa kiếm ăn rồi quên đường về, ngủ hang, ngủ hốc, ngủ bờ, ngủ bụi chỗ nào cũng nên. "Một mất mười ngờ" mà. Dân Việt chúng cứ hay là đa nghi lắm, nó đi vào máu thịt người ta hàng nghìn năm rồi.

Phía Đông trăng đã ló. Hôm nay “mười Bảy sảy giường chiếu”. Thôn quê có lệ, xong bữa, xỉa răng, uống nước, giũ chiếu là đi nằm.

Được một chốc, tiếng chửi lại vang lên. Chắc không ai “nỡ”, nên bà Bi chuyển tông giọng:

- Bố cái thằng chết đâm, mẹ cái con chết xỉa ! Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà…à...

Vẫn yên ắng ngoài tiếng độc thoại. Cả cóc nhái cũng im tiếng. Chả ai dại mà ló mặt ra với thằng điên là một, mụ chửi là hai. "Đầu không phải, phải tai". Chỉ xào xạc cành tre đu đưa cọ vào mái tranh đầu hồi.

- Này, bà bảo cho chúng mày biết: Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn… Nó ở nhà bà là con gà vàng, gà ngọc. Nó bị bắt trộm về nhà mày thì thành con cú, con cáo, là con đành hanh mỏ đỏ, nó mổ mắt, xé xác ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái nhà mày đây… ây… ấy !

Bà Toản cảm thấy rát tai, vỗ đét vào đít, lẩm bẩm “Cái con mẹ này nó cứ chõ mồm về nhà mình là làm sao !”. Ông Toản đằng hắng mắng lại “Thì người ta mất, người ta chửi cái người bắt trộm. Hà cớ gì đến nhà mình mà bà…”. “Rưng mà điên tiết lắm. Ngứa cả l….”. "Bà tục quá ! Có ngứa thì tôi gãi cho...".

Lũ trẻ thấy có chuyện, kéo nhau đến xem đã thành nhóm gần chục đứa. Chúng thập thò đầu ngõ, to nhỏ thì thầm:

- Tao thấy lúc tối vẫn còn mà…
- Có khi bị cáo bắt ăn rồi cũng nên…
- Hay, có thằng nào trót... Khai ra mau ! Một thằng chỉ tay vào đám bạn.
- Hôm trước bà Đỏ chửi 3 ngày rồi thấy đấy…

Cũng chẳng ông già, bà trẻ nào lên tiếng. Thói đời, chửi nhau là phải có người để chửi, chứ mấy ai chửi một mình, không chừng tai liền miệng, mình chửi mình nghe. Giá như có con chó nó gâu gâu với bà thì cũng đỡ tức. Đằng này chỉ toàn màn độc diễn mình bà. Cơn điên ở đâu ập tới, tức tốc bà vén váy lên, bà kên chân trước, bà bước chân sau mà chu choa lên:

    -  Bớ cái thằng chết trôi, cái con chết chìm, mày ăn gà của bà mày nghẹn cổ, mày không dám ra đây a…à. Mày mà ra đây thì bà nhét máu hòn, máu cục, máu nề, máu tháng vào mồm mày ây…ấy ! Đây n...à...y !

Một tay chống nạnh, tay kia bà xỉa lên giời theo bước chân nhún nhún. Vạt váy đen tung lên kéo ánh trăng suông loang loáng chiếu vào hai bắp vế trắng ơn ởn. Đám trẻ nấp đầu ngõ được phen mãn nhãn, cười khúc khích. Mặc kệ ! Đương cơn say, nên bà cũng chẳng cần ý tứ nữa. Bà cứ tung hê cái của bà lên cho đứa bắt trộm chúng ăn, chúng nghẹn, chúng chết.

- Mày đui, mày què thì mày ra giữa đường, mày nằm ngửa ra, cho ông đi qua, cho bà đi lại, người ta ỉa vào mồm cho mà ăn nhá..á...á !

Trăng đã vượt 2 con sào. Sao trên trời chi chít. Màn sương đã buông lành lạnh. Tiếng côn trùng vẫn bặt. Cành tre vẫn xạc xào cọ vào mái rạ đầu nhà. Bài chửi chừng đến hồi kết.

- Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên, bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về cơm nước, nhớ đừng quên nha… Muốn sống thì thả gà ra, lạy bà hai lạy, bà tha cho may...ày.

Tiếng bà Bi ho rũ rượi một chập, rồi yên hẳn.

Trên trời cao, chị Hằng như nheo mắt nhìn xuống thế gian mỉm cười...

Đã hơn năm chục năm trôi qua, dù không còn nhớ được nguyên vẹn, nhưng tôi vẫn mồn một bài chửi mất gà mỗi khi hồi tưởng về tuổi thơ làng quê những năm ấy…

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

CHÚC MỪNG NĂM MỚI ẤT MÙI 2015

..

NHÂN DỊP NĂM MỚI ẤT MÙI 2015

KÍNH CHÚC HỘI VIÊN VÀ GIA ĐÌNH

AN KHANG, THỊNH VƯỢNG, VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Bài hát về Thái Bình của Sơn Tùng MTP

Mời Hội viên và các bạn thưởng thức bài hát về Thái Bình của Sơn Tùng MTP theo Link dưới đây nha.


Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2015

.


Năm mới Ất Mùi 2015
Kính chúc Hội viên và Gia đình
AN KHANG, THỊNH VƯỢNG, VẠN SỰ NHƯ Ý

TM Ban Liên lạc Hội
Trưởng Ban
Vũ Bá Cư