Theo các nguồn sử liệu thì địa danh Thái Bình với tên gọi phủ Thái Bình (gồm phần lớn đất đai tỉnh Thái Bình ngày nay) có từ năm Ứng Thiên thứ 12 (1005) đời vua Lê Long Đĩnh với sự kiện đổi tên đất Đằng Châu thành phủ Thái Bình. Đương nhiên, trước khi xuất hiện địa danh Thái Bình thì quá trình khai phá đất đai, mở làng, lập ấp ở vùng đất này đã diễn ra từ hàng nghìn năm trước công nguyên và tên gọi, địa dư, diên cách của các phủ, lộ, huyện, làng, xã đã trải nhiều đổi thay theo sự biến thiên của các triều đại.
Là vùng đất được hình thành từ một bãi bồi phù sa ven biển với địa hình tương đối bằng phẳng, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, thuận lợi cho việc gieo trồng lúa nước và đánh bắt thủy hải sản. Chính do lợi thế này nên từ cổ xưa đã có sức hút mạnh mẽ các luồng cư dân từ nhiều vùng miền tìm về khai phá và sớm có nền kinh tế nông nghiệp phát triển để trở thành “kho người, kho của”. Mặt khác, do được giới hạn bằng ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển với những cửa sông lớn đổ ra biển nên Thái Bình có vị thế chiến lược quan trọng về quân sự, chính trị của đất nước. Ngoài sứ mệnh là vị trí tiền tiêu luôn phải thường trực chống chọi với những đạo quân xâm lược tiến đánh từ biển Đông vào, vùng đất Thái Bình còn là nơi để những bậc anh tài lập nghiệp đế vương.
Sử sách còn lưu truyền: vào thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã từ vùng đất này mà dấy nghĩa, tập hợp binh lương, đánh đuổi giặc Lương, khai đế, xưng vương khai sinh ra nước Vạn Xuân. Vào thế kỷ thứ IX, khi đất nước lâm vào cảnh loạn 12 sứ quân, Trần Lãm đã chọn vùng đất Bố Hải khẩu để cát cứ rồi trở thành sứ quân mạnh nhất. Khi Đinh Bộ Lĩnh nổi dậy ở Hoa Lư, biết rõ vị thế của sứ quân Trần lãm và địa thế của Bố Hải khẩu đã tìm về nương náu sau được Trần Lãm nhận làm con nuôi, sau giao cả binh quyền, từ đó có đủ thế lực để dẹp yên các sứ quân, lập ra nước Đại Cồ Việt. Bố Hải khẩu cũng từng là đất thiêng để các vị vua anh minh triều Lý chọn làm nơi cày ruộng tịch điền khuyến khích việc nông tang. Đáng chú ý hơn cả là Thái Bình xưa còn có đất thiêng Tinh Cương - Hải Ấp để họ Trần chọn làm nơi định cư, trở nên giàu có, tạo dần thế lực mà sáng nghiệp đế vương và dựa vào đất này mà hưng nghiệp và giữ nghiệp.
Theo dòng chảy của lịch sử, từ buổi đầu Công nguyên đến nay, trên các trang sử chống ngoại xâm của dân tộc, những tên đất, tên người của Thái Bình đã xuất hiện như những dấu son.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ đó về sau, đằng đẵng mấy mươi năm, các tầng lớp nhân dân Thái Bình đã quật cường chống Pháp bằng nhiều hình thức khác nhau ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và trên đất Thái Bình. Chung cục, biết bao người đã ngã xuống nhưng non sông vẫn đắm chìm trong cơn nô lệ. Thù nhà nợ nước chất chồng.
Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, sau khi đã bình định xong toàn cõi Đông Dương, thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp đã thiết lập nhiều tỉnh mới theo quy mô phù hợp để dễ bề kiểm soát. Trong bối cảnh đó, ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình. Điều 1 của nghị định này nêu rõ: “Nay thành lập lấy tên là Thái Bình một tỉnh mới gồm phủ và phân phủ Thái Bình và phủ Kiến Xương tách ra từ tỉnh Nam Định và huyện Thần Khê tách khỏi tỉnh Hưng Yên sẽ sáp nhập lại về hành chính vào phủ Thái Bình”.
Trong một báo cáo gửi về Bộ Thuộc địa Pháp về việc thành lập tỉnh Thái Bình, viên Toàn quyền Đông Dương đã lý giải: “Dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ cai trị”.
Khi thành lập tỉnh thì Thái Bình có 80 vạn dân. Đến năm 1929 đã lên đến một triệu người. Theo nhãn quan của người Pháp thì Thái Bình là một tỉnh đông dân, có vị thế quan trọng. Một học giả người Pháp đã viết trong tác phẩm Chú thích về tỉnh Thái Bình: “Tỉnh Thái Bình, theo tên gọi Hán Việt có nghĩa là “yên ổn hoàn toàn”, có 1 triệu dân, là một trong những tỉnh lớn nhất và quan trọng nhất của Bắc kỳ, đó là một điều không ai chối cãi được... Nếu như con số 1 triệu dân được thừa nhận, người ta nhận định Thái Bình là một trong những miền đông dân nhất của quả đất...”.
So với nhiều địa phương khác trong khu vực châu thổ sông Hồng và toàn quốc thì tỉnh Thái Bình có những nét riêng về các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội và dân cư. Những nét riêng đó đã tác động đến sự hình thành phẩm chất và tính cách người Thái Bình. Cần mẫn và năng động. Quả cảm và cương nghị. Hiếu học và giàu chí tiến thủ. Nhạy bén với thời cuộc. Dễ thích ứng với việc nghĩa và sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn là những tính cách nổi trội của cư dân Thái Bình.
Thái Bình là một trong số tỉnh rất hiếm hoi trong cả nước, từ sau ngày thành lập đến nay chưa hề bị chia ra, nhập lại. Có thể coi đó là một sự may mắn lớn. Người xưa từng có câu: “Không ốm không đau làm giàu mấy chốc”.
Từ sức bật của truyền thống, từ những bài học lịch sử trong tiến trình 125 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đang quyết tâm phấn đấu để trở thành tỉnh có nền nông nghiệp, công nghiệp hiện đại, giàu mạnh và văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét