Số người online

Số lượt truy cập


web trends

Danh mục Blog (Click vào từng danh mục để xem)

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

LỊCH SỬ TỈNH THÁI BÌNH

.
Thái Bình bao bọc bởi hệ thống sông và cầu. Các sông chính gồm : sông Hồng (phía Nam), sông Trà Lý (nằm giữa Thái Bình), sông Luộc (Tây Bắc), sông Hoá (Đông Bắc).

Lúc đầu là các dân gốc Việt - Mường sinh sống ở các thềm phù sa cổ Vĩnh Phúc, Hà Bắc tiến dần về hướng Ðông Nam đồng bằng ven biển, trong đó có Thái Bình.

Trải qua hàng ngàn năm dưới thời Bắc thuộc và đặc biệt từ khi nhà nước phong kiến tự chủ Ðại Việt (thế kỷ XI) được thành lập, cư dân Thái Bình vẫn cơ bản được bổ sung theo các luồng nói trên.


Từ thế kỷ XV đến XVIII, cư dân từ Thanh-Nghệ-Tĩnh theo đường biển vào định cư và cư dân từ các vùng Nam Ðịnh, Hải Dương, Hưng Yên, Ðông Triều về hợp cơ ở Thái Bình theo nhiều nguyên nhân khác nhau. Không loại trừ cả những dòng máu ngoại lai hội nhập vào cư dân Thái Bình do các công hầu, khanh tướng triều Lý - Trần đưa tù binh về khai phá các điền trang, thái ấp được triều đình ban tặng. Khi Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức cuộc khẩn hoang quy mô lớn lập ra huyện Tiền Hải vào năm 1828 thì cư dân chủ yếu của Kiến Xương, Vũ Thư và cư dân vùng Nam Ðịnh, Hà Nam về hợp cư.

Thời kỳ đầu công nguyên và qua 5 thế kỷ sau đó, Thái Bình là phần đất cuối cùng phía nam của huyện Chu Diên - quận Giao Chỉ.
Vào thế kỷ thứ 6, phần lớn đất đai phía bắc và tây bắc của Thái Bình thuộc quận Vũ Bình; phần đất còn lại thuộc quân Ninh Hải.

Bước vào thời kỳ phong kiến tự chủ (938), đất Thái Bình thuộc Châu Ðằng (Châu Ðằng bao gồm phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình ngày nay).

Vào thời Tiền Lê, Năm Ứng Thiên thứ 9 (1002), vua Lê Ðại Hành đổi 10 đạo của cả nước thành Phủ, Lộ, Châu; đến đời vua Lê Ngoạ Triều (1005 - 1009); Châu Ðằng được gọi là phủ Thái Bình. Thời Lý (thế kỷ 11) phủ Thái Bình được gọi là hương Thái Bình (Phủ Thái Bình sau đổi là Thái Ninh) gồm 4 huyện, Thuỵ Anh, Quỳnh Côi, Ðông Quan, Phụ Dực.

Thế kỷ 12 - 13 dưới triều Trần, trên mảnh đất Thái Bình, cư dân đã đông đúc, các làng xã đã khá ổn định, Thái Bình lúc này thuộc đất đai của hai lộ (phủ) Long Hưng và Thiên Trường; về sau vẫn thuộc lộ Long Hưng, phần còn lại thuộc hai lộ mới là Kiến Xương và An Tiêm được tách ra từ lộ Thiên Trường. Dưới lộ là huyện, hương (xã).

Ðến thời Tây Sơn, Thái Bình thuộc Trấn Sơn Nam Hạ, về địa danh có đổi phủ Thái Bình thành phủ Thái Ninh, còn đơn vị hành chính vẫn cơ bản như thời Lê.

Thời Nguyễn (thế kỷ XIX), địa danh cơ bản vẫn như trước. Riêng phủ Thái Ninh được trả lại tên cũ là phủ Thái Bình; đổi Thanh Lan thành Thanh Quan (thời Gia Long); đến thời Minh Mệnh nhập vào phủ Kiến Xương); đến thời Tự Ðức, Thanh Quan lại nhập vào phủ Thái Bình, thời Ðồng Khánh đổi huyện Chân Ðịnh thành huyện Trực Ðịnh. Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), sau cuộc khẩn hoang - Thái Bình có thêm huyện Tiền Hải với diện tích 18.900 mẫu; 2.300 suất đinh; 7 tổng; 40 làng; 27 ấp; 20 trại và 40 giáp.

Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Thái Bình thuộc trấn Nam Ðịnh; năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), chia thành tỉnh hạt, Thái Bình thuộc phạm vi của hai tỉnh Nam Ðịnh và Hưng Yên, gồm các huyện : Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân (tỉnh Hưng Yên); Thái Bình, Thanh Quan, Kiến Xương (tỉnh Nam Ðịnh). Phần đất còn lại thì đặt phân phủ kiêm nhiếp (huyện Kiến Xương, kiêm nhiếp huyện Thư Trì; huyện Chân Ðịnh kiêm nhiếp Tiền Hải; huyện Thái Bình kiêm nhiệp huyện Thuỵ Anh. Ngoài ra đặt thêm phân phủ Thái Bình gồm 2 huyện : Quỳnh Côi và Phụ Dực.

Ngày 21-3-1890, toàn quyền Pháp ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình bao gồm các huyện : Thanh Quan, Thuỵ Anh, Ðông Quan, Trực Ðịnh (trước là Chân Ðịnh), Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc tỉnh Nam Ðịnh) và huyện Thần Khê (thuộc tỉnh Hưng Yên). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Ðến lúc này tỉnh Thái Bình với tư cách là một tỉnh - đơn vị hành chính độc lập - bao gồm 3 phủ với 12 huyện, 90 tổng, 802 làng, xã với số dân 161.927 người, số ruộng đất là 365.287 mẫu.

Phủ Tiên Hưng gồm 3 huyện: Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà.
Phủ Thái Ninh gồm 3 huyện: Thanh Quan, Thuỵ Anh, Ðông Quan.
Phủ Kiến Xương gồm 4 huyện: Trực Ðịnh, Thư Trì, Vũ Tiên và Tiền Hải.
Phân Phủ Thái Ninh gồm 2 huyện: Quỳnh Côi và Phụ Dực.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ngày 10-4-1946 Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này được chia thành 12 huyện, một thị xã với 829 xã, thôn.

Ngày 17-6-1969, Hội đồng Chính phủ ra quyết định 93-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới các huyện:
Hợp nhất hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực thành huyện Quỳnh Phụ.
Hợp nhất hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà thành huyện Hưng Hà.
Hợp nhất hai huyện Ðông Quan và Tiên Hưng thành huyện Ðông Hưng.
Hợp nhất hai huyện Vũ Tiên và Thư Trì thành huyện Vũ Thư.
Sát nhập một số xã của huyện Vũ Tiên vào huyện Kiến Xương.
Sát nhập một số xã của huyện Kiến Xương vào huyện Tiền Hải.

Năm 1982 và 1986 Hội đồng Bộ trưởng quyết định sát nhập một số xã ở Vũ Thư và mở rộng địa giới hành chính của thị xã Thái Bình.


Không có nhận xét nào: