CHÚ TÔI
Nguyễn Ngọc Huân
(Viết nhân ngày 22/12)
Năm 1964 nhập ngũ, sau 3 tháng huấn luyện, chú cùng đơn vị vào thẳng vùng Mộc Hóa, Long An cho đến ngày miền Nam giải phóng thì phục viên.
Tuy còn nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái hôm chú lên đường tòng quân. Hôm ấy, làng vừa xong mùa gặt. Trên trời cao, mây trắng bồng bềnh trôi, và gió Nam hiu hiu thổi. Nắng thu nhạt quét một lớp vàng mật lên mái đình, lên cây gạo, xuống mặt sân lúc bấy giờ đang đông người đi tiễn tân binh lên đường nhập ngũ.
Xã tổ chức lễ tại sân đình Cả. Tiếng trống điểm đều đều từng hồi như thôi thúc người dự . Góc bên phải, đội múa Lân biểu diễn những màn nhào lộn, vờn đuổi, tung hứng trong tiếng thanh la inh ỏi, tiếng trống náo động. Ông Địa mặt tròn, trán cao, nụ cười mãn nguyện chạy lên, chạy xuống, phe phẩy quạt làm những đứa trẻ thích thú. Có đứa bạo dạn còn xông vào giật áo, đập lưng làm ông càng hưng phấn quay tít cái quạt tứ phía. Chú Lân, chú Sư miệng há, đầu nghiêng, chân đá, đuôi vặn tạo nên cảnh náo nhiệt, tưng bừng…
Trong đình, đội Văn nghệ xã đang diễn Chèo “Tiễn anh lên đường”. Ở giữa Đình, người ta trải mấy cái chiếu cho giàn trống, phách, nhị, hồ, đàn thập lục. Sân khấu có 2 nhân vật. Chú tôi là “kép chính” của đội, hôm ấy thủ vai chàng trai xung phong đi bộ đội, cô Chít trong vai người con gái tiễn người yêu lên đường. Trên đời có gì ngạc nhiên, và thú vị hơn: Người đi lính sắm đúng vai mình đang thực hiện, và có lẽ, chưa bao giờ chủ nghĩa lạc quan đạt tới đỉnh vinh quang như vậy ! Tiếng nhạc Chèo réo rắt, nhịp trống phách khoan nhặt.
- Tặng anh kỷ vật nhỏ này, đánh tan giặc Mỹ, em đón ngày (anh) về quê (hương) !
Người nữ diễn theo điệu “Nói nối” và trao cho người yêu chiếc khăn mùi xoa thêu 2 con chim.
- Sao khăn thêu chim lại con đậu, con bay, hở em?
- Dạ, thưa anh. Em như chim đậu chờ anh, anh đi theo bước quân hành đường xa, một lòng son sắt (ở) quê nhà, (em) chờ anh chiến thắng đôi ta (sẽ) sum vầy. Chim bay nhớ lấy ngày này...
Rồi, đôi trai gái cùng ca điệu Lới Lơ dặn chàng yên tâm, dốc sức đánh giặc, việc hậu phương đã có em trông, hẹn ngày thống nhất non sông, nên duyên chồng vợ, thỏa lòng ước mong.
Khán giả hết thẩy đều khen chú tôi vào vai quá đạt, vỗ tay tán thưởng. Ở một góc, bà tôi ôm tôi vào lòng sụt xịt, lấy khăn lau khô giấu đi những dòng nước mắt đang trào tuôn thấm xuống mái đầu xanh cháu thơ. Chú tôi vẫn hồn nhiên diễn, giọng hát mượt mà, động tác uyển chuyển. Trích đoạn diễn kết thúc bằng màn người nữ đứng giơ tay, người nam cầm khăn lùi xa dần, cả hai vẫy tay ly biệt.
Đã đọc và xem nhiều cảnh chia ly, tiễn biệt của thời xưa trong tiểu thuyết, trên sân khấu, nhưng tôi chưa từng thấy cảnh chia ly nào đầy lạc quan, vơi sầu não như làng quê thời kháng chiến những năm sáu mươi ấy. Người ta đi chiến trường mà lòng nhẹ tựa lông hồng !
Rồi chiến tranh kết thúc, chú tôi lành lặn trở về. Lại cấy cày, vườn tược. Đội văn nghệ xã không còn, nhưng những đêm sáng trăng, lặng gió, khi những hàng cây chuối, cây cau bắt đầu gà gật ngủ, chú thường mắc võng dù nằm nghêu ngao những câu Vọng Cổ. Ngày đầu nghe chú ca, bọn trẻ trong xóm kéo đến đông nghịt, hỏi nhau, “Chú hát gì ấy nhỉ ?”. Rồi bàn tán, “Chú hát Cải lương chúng mày ạ. Hay nhỉ ! Mà sao nghe buồn thế !” Sau này quen, trẻ đến xem thưa dần, lâu ngày, cũng chẳng đứa nào đến nữa.
Vài lần tâm sự, chú có nguyện vọng trở lại chốn xưa thăm bà con vùng kháng chiến, thắp nén nhang cho những đồng đội đã hy sinh ngày nào.
Lần ấy, về thăm quê, gặp chú nằm trên võng, da nhợt nhạt, dáng gầy nhom, hỏi sao nên sự tình này, thì biết chú mắc bệnh hiểm nghèo đã thời gian dài. Chú cười nửa miệng,”mẹ bố nó, không chết vì hòn tên, mũi đạn, mà chết vì chất độc mới tức chứ”
Nhìn tôi với đôi mắt mệt mỏi, và vận hết sinh khí nội lực, chú ê a câu Vọng Cổ nghe buồn rười rượi, “Sáo ơi, cửa lồng son đã mở, hãy hát lên bài ca ly biệt. Hát một lần này rồi không gặp nữa bao…giờ…”. Hết đoạn xuống xề, chú ngừng lại ho rũ rượi. Ngồi nghe chú ca, lòng tôi thắt lại, cổ tôi nghẹn cứng. Chú tôi của cái ngày đóng vai chia tay chồng vợ, lạc quan, tin tưởng, yêu đời như vầy sao !
Tay chú quờ quạng tìm nắm tay tôi, rồi chú nói thật nhỏ, nhỏ tựa như hơi thở,”Thế là chẳng bao giờ trở về nơi cũ nữa, chẳng thắp cho chúng nó nén nhang được nữa…”
Hai tháng sau, chú tôi về với ông bà…
Hôm chú mất, có mấy chú đồng ngũ đến viếng, kể rằng, chú tôi đánh trận giỏi, dân vận tốt, Vọng Cổ hay. Sau mỗi trận đánh, cả tiểu đội thường quây quần nghe chú tôi ca những câu ca chiến thắng. Có người con gái miền Tây, thấy chú hát hay, đem lòng yêu mến, nhưng chú trót hứa với người xưa, nên nén lòng từ chối.
Có người hỏi "Người xưa" của chú bây giờ đâu ? Vâng, thì vẫn là Người xưa đã đợi chờ và sau thành vợ chú. Nhưng không phải là cô Chít, bạn ạ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét